Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Chuyện dở khóc dở cười ở làng chữa bệnh vô sinh

Hiếm muộn đang là nỗi ám ảnh của biết bao cặp vợ chồng trong xã hội hiện đại. Chính hiện trạng đó đã giúp ngôi làng cổ An Thái (Yên Mỹ, Bình Lục, Hà Nam) với hơn 100 người hành nghề chữa bệnh vô sinh đang thay da đổi thịt từng ngày. Có tìm hiểu về ngôi làng đặc biệt này mới thấy biết bao câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh những hệ lụy oái oăm của nó.

Hàng trăm tấm biển thế này tại làng An Thái


Bà Nhinh, một trong những thày lang

Nghề gia truyền?

Nhiều người nói làng An Thái giờ đã thay da đổi thịt và lên phố. Những biển quảng cáo kinh doanh đủ mặt hàng, nhà cao tầng đua nhau mọc san sát, thế nhưng vẫn chưa đánh mất đi hồn cốt của một ngôi làng điền nông bề thế. Điều đặc biệt nhất ở đây là những tấm biển quảng cáo hoành tráng: "Ở đây chữa bệnh vô sinh".

Từ già đến trẻ ai nấy đều tự hào vì làng mình có nghề "chữa bệnh vô sinh" gia truyền. Không tự hào sao được khi chính cái nghề đó mà An Thái nức tiếng khắp vùng và mang lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây. Theo những bậc lão niên kể lại thì cụ tổ nghề này là cụ Thái Văn Lập, vốn không phải người gốc làng An Thái. Cụ Lập quê gốc làng Quang Tó, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ. Cụ Lập là nhà nho, với vốn kiến thức uyên thâm. Vì thời thế cụ tìm đến mảnh đất này kiếm kế sinh nhai. Không lâu sau cụ Lập lấy cụ bà Nguyễn Thị Lê làm vợ. Cụ Lê biết nghề đỡ đẻ và có tiếng là mát tay, khi ấy cụ Lập lại giỏi thuốc nam. Vì lẽ đó hai cụ thường xuyên chữa bệnh, bốc thuốc cho người dân trong vùng và dần dà đã sáng tạo ra bài thuốc chữa bệnh cho phụ nữ. Sau thời gian, bài thuốc này được thêm bớt một vài vị thuốc và đã tạo bài thuốc chữa bệnh vô sinh gia truyền như hiện nay.
Cụ Nguyễn Thái - một bậc cao niên của An Thái tự hào nói: "Thực ra đây là những câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác chứ không có sách vở nào ghi lại nguồn gốc của bài thuốc gia truyền này. Có thể sách sử đã thất truyền nhưng chúng tôi vẫn chưa thể làm lại được".

Chẳng khi nào ở An Thái lại không có người tìm đến chữa bệnh vô sinh. Có những hôm người kéo đến đếm không hết. Và khi đã có nhiều người hành nghề sẽ không tránh khỏi sự cạnh tranh. Chúng tôi trong vai cặp vợ chồng hiếm muộn đến chữa bệnh đang lơ ngơ tìm hiểu thì có người phụ nữ nhanh nhảu hỏi: "Đến chữa vô sinh à? Vào đây nói chuyện đã".

Dứt lời chị Nhinh cười hỉ hả: "Đến đây là phải biết được bà lang nào uy tín, nhiều người chữa khỏi. Chứ ngu ngơ kiểu gì sẽ có "cò" ra dẫn mối. Họ thường đưa anh chị về chỗ người nhà của họ". "Cò" ở đây thường là những cánh xe ôm, hay những chủ quán nước ngay đầu làng. Khi ai đó lơ ngơ sẽ "bắt sóng" rồi sấn đến hỏi han với giọng đầy thông cảm. Khách đến đây chỉ cần đưa 50 đến 100 nghìn đồng là "cò" sẽ chỉ đến nơi tận tình, chậm chí còn chở bằng xe máy đến. Không chỉ ăn được tiền của khách, "cò" còn được các chủ phòng khám "ra lộc" cho khá hậu hĩnh vì có công đem khách đến.
Theo lời chị Nhinh, ở làng An Thái có bà lang Quế là có uy tín và có rất nhiều khách qua lại chữa trị. Từ đầu làng tới nhà bà lang Quế chỉ chừng vài trăm mét nhưng có khá nhiều nhóm phụ nữ tụm năm tụm ba chuyện trò rôm rả. Hỏi ra mới biết, hầu hết trong số họ đều là những người đang "ăn nằm" tại các "phòng khám" để chữa bệnh vô sinh... Chưa biết hiệu quả chữa trị đến đâu nhưng khách đến An Thái từ tứ phương đổ về. Có người từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An rồi mãi tận Yên Bái, Lào Cai…

Chị Nguyễn Thị Tâm (40 tuổi), Móng Cái, Quảng Ninh sụt sùi kể câu chuyện buồn của gia đình mình cho chúng tôi nghe. Lấy nhau 15 năm nhưng vợ chồng chị không sinh được 1 mụn con nào. Hai vợ chồng đã "vái tứ phương" cả đông y, tây y… thậm chí cả đi cầu đền nọ chùa kia. Áp lực hơn cả chồng chị lại là độc đinh trong họ. Chẳng phải nói cũng biết chị Tâm phải chịu đựng áp lực thế nào từ chồng và phía gia đình chồng. Cuộc sống chị ngày càng như địa ngục. Và rồi khi sức chịu đựng không còn, chồng chị tuyên bố xanh rờn rằng: "Nếu không có con anh sẽ bỏ chị và kiếm người phụ nữ khác".

Chỉ nghe phong thanh ở làng An Thái có phương thuốc đặc biệt có thể giúp thụ thai, chị Tâm chẳng quản đường xa, tốn kém để thỏa lòng mong đợi bấy lâu. Chị nói như khóc: "Làm bao nhiêu cũng chẳng đủ để đi chữa trị, tôi mệt mỏi lắm rồi! Bỏ hết công việc, vay mượn khắp nơi dắt lưng vài chục triệu để ăn dầm nằm dề nơi đây, cũng chỉ mong trọn chữ hiếu, vẹn chữ tình với chồng và nhà chồng thôi. Quả nếu không được thì đành gạt nước mắt nhìn chồng lấy vợ khác thôi chứ biết làm sao được?".

Không khỏi không lấy tiền

Dù khá thông thạo về đường đi, thông tin về những bà lang ở đây nhưng chúng tôi vẫn không tránh khỏi sự lôi kéo của một số "cò". Và kể cả khi chúng tôi quả quyết là đã có địa chỉ phòng khám mà mình định đến nhưng một người đàn ông chạc gần 50 tuổi vẫn chèo kéo đưa chúng tôi về "phòng khám" của một người mà ông này khẳng định là nó rất uy tín. Đó là một ngôi nhà 3 tầng bề thế nằm giữa làng, cổng lúc nào cũng được khóa im ỉm. Điều đặc biệt ở đây lúc nào cũng có 3 đến 5 phụ nữ ăn nằm chữa bệnh.

Ra đón chúng tôi là một bà cụ áng chừng ngoài 70 tuổi. Vừa nhìn thấy chúng tôi bà đã hớn hở: "Vào đây, vào đây. Ai giới thiệu cho mà biết đường đến nhà tôi. Thế có bị "cò" nào lôi kéo không. Riêng nhà tôi chả nhờ "cò nào hết. Cứ hữu xạ tự nhiên hương thôi. Tìm đến đây là đúng người rồi".
Chúng tôi tâm sự rằng đã có một con gái 7 tuổi, muốn sinh thêm nhưng không được, đã từng đi khắp nơi khám nhưng các bác sĩ nói là cả 2 vợ chồng đều không sao. Chưa kịp hỏi quê quán, tên tuổi, bà làng Quế bắt ngay bệnh: "Chắc chắn là do tổn thương khi sinh lần thứ nhất rồi. Đã vào nhà bà thì cứ yên tâm là sẽ sinh được. Đã có quá nhiều trường hợp như thế này rồi. Yên tâm".

Như để khẳng định uy tín của bà lang Quế, 2 người phụ nữ luống tuổi (cũng đang "ăn nằm" ở đây chữa vô sinh - pv) thêm lời: "Đúng đấy! Những trường hợp như anh chị bà chữa giỏi lắm, biết bao người khỏi bệnh rồi. Ngày nào bà chả có những cuộc điện thoại đến cảm ơn". Để khẳng định uy tín, bà Quế còn kể, đây là nghề gia truyền từ đời bố chồng để lại. Và, các con của bà cũng là những lương y đang hành nghề tận miền Nam. Sau một hồi "quảng cáo" danh tiếng bà Quế không quên đưa cho chúng tôi tấm card visit khá hoành tráng, đầy đủ ảnh và thông tin cá nhân.

Sau một hồi thăm khám tại nhà bà Quế chúng tôi dạt sang nhà bà lang Thìn, đây cũng là thầy thuốc khá uy tín và được nhiều người qua thăm khám. Lần này chúng tôi lại kể với bà lang Thìn rằng, theo tây y khám thì vợ bình thường chỉ có chồng là "có vấn đề". Người phụ nữ này chỉ hỏi qua loa vài câu về tình trạng sức khỏe rồi bắt mạch. Sau khi bắt mạch người này phán chắc nịch: "Sức khỏe của em hoàn toàn bình thường, chắc chắn không có con là do vợ em. Em phải đưa vợ đến đây để chị khám chữa cho. Nếu nặng thì phải nằm đây điều trị dài ngày. Nhẹ thì có thể bốc thuốc về nhà uống, trong công ngoài kích, "chỉnh" cho một chút là có thai ngay".

Qua tìm hiểu của phóng viên, những phụ nữ đến An Thái chữa bệnh đều phải nằm điều trị cả tháng. Những người chữa bệnh ăn ở, sống như người nhà của thầy thuốc. Buổi sáng sẽ được bà lang bắt mạch, uống thuốc, buổi chiều sẽ được tĩnh dưỡng. Khi nào bệnh ổn định, thầy lang cho phép mới được trở về nhà với chồng để làm nốt công đoạn cuối cùng. Giá ở phòng khám chữa của mỗi cơ sở không chênh lệch đáng kể, dao động từ 300 - 400 nghìn/ngày. Chi phí này được tính là tổng thể từ ăn, ở cho đến khám chữa và thuốc men. Những phụ nữ được gọi là bệnh nặng ít nhất cũng phải nằm 2 tháng, như vậy tính sơ sơ mỗi người cũng phải tốn đến hơn 20 triệu đồng cho một đợt chữa trị. Chị Tâm buồn bã chia sẻ: "Đấy là chỉ tính tiền ăn ở, khám chữa chưa kể đến chi phí đi lại, cảm ơn, quà cáp. Có những chị phải nằm đây đến 4 tháng mà bà lang còn chưa chịu cho về. Chẳng biết hiệu quả đến đâu nhưng tiền thì cứ lặng lẽ trôi đi".Hầu hết những lang bà ở đây được hỏi lật lại rằng: "Chữa như vậy vẫn không có con thì sao?". Tất thảy đều khẳng định chắc nịch: "Chắc chắn là khỏi, cứ yên tâm. Không chữa được không lấy tiền".

Quả thực có chứng kiến cách chữa bệnh gia truyền hết sức sơ sài, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm này chúng tôi không khỏi hoài nghi về hiệu quả của nó. Thực tế y học ngày càng hiện đại, thiết bị tối tân được áp dụng và chi phí còn lớn hơn rất nhiều nhưng hiệu quả chưa ai dám khẳng định 100%.

Điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi người dân ở chính làng An Thái coi việc chữa bệnh vô sinh này là không hiệu quả. Ông Phú, một người theo ngành y từ khi còn trong quân đội tiết lộ, thực chất ở làng này chỉ vài ba người thực sự có khả năng chữa bệnh, bắt mạnh. Còn đâu chủ yếu vẫn là ăn theo, tự ý mở cơ sở để chữa bệnh theo kiểu "cầu may". Chị Nhinh khẳng định: "Đúng là chỉ có vài người có khả năng chữa vô sinh. Đã có rất nhiều người làng An Thái lấy danh đi khắp nơi chữa bệnh. Có nhiều người lên tận miền núi để hành nghề. Nếu có mở cơ sở ở đây chắc cũng chẳng ai chữa đâu!"
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ trao đổi với phóng viên:
Trên địa bàn xã hiện có khoảng 150 hộ gia đình hành nghề chữa vô sinh, trong đó có trên 50 hộ đã có giấy phép của Sở Y tế Hà Nam cũng như được công nhận của Hội Đông y xã An Mỹ. Số còn lại do đời trước truyền nghề nên cũng hành nghề theo bản năng gia truyền. Tuy vậy những hộ này vẫn luôn có sự giám sát của Ban Y tế huyện. Cho đến nay chưa có bất kỳ vụ việc rắc rối hay phàn nàn gì của bệnh nhân về phương pháp chữa bệnh và phụ khoa của các thầy thuốc trong làng.
Ông Tống Đức Cường, Trạm Trưởng trạm Y tế xã Yên Mỹ chia sẻ:
Hiện nay có 30 hộ hành nghề chữa vô sinh. Có gia đình cả 2 mẹ con làm thầy, thầy lang thì có tới hơn 100 người. Ông Cường trả lời chung chung rằng, những cơ sở này đều có giấy phép hành nghề của Sở Y tế Hà Nam cấp và những người trực tiếp khám chữa bệnh đều có bằng Trung cấp Y.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét