Cò bày bán la liệt tại đầu cầu Quế, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng (Hà Nam)
Vài tháng nay, vào các buổi chiều , trên một số tuyến đường Bùi Dị, Lê Công Thanh, Nguyễn Văn Trỗi…thuộc thành phố Phủ Lý lại tấp nập cảnh người mua bán cò. Trên đường Bùi Dị (đối diện sân vận động Phủ Lý), người bán cò liên tục nâng lên hạ xuống những xâu cò, lông bị vặt trụi, thân rỉ máu. Những con cò còn sống trong lồng đều đã bị đâm thủng mắt bằng chính chân lông của nó mà người bán giải thích là "làm thế khỏi bị cò mổ mắt” ! Theo quan sát, mỗi lồng cò chứa khoảng 50 - 60 con. Nhìn lũ cò, con thì ngơ ngác, con thì ngấp ngoải "dở sống dở chết” vì trước đó đã bị người ta quăng quật. Càng xót xa hơn khi người ta trông thấy cảnh "giết cò”. Mỗi con cò được làm sạch sẽ như trên bán ra cũng chỉ được từ 17 – 20 nghìn đồng.
Được biết, từ độ lúa con gái đến khi gặt, đàn cò về rất đông để kiếm ăn và tập trung nhiều nhất ở địa bàn một số xã như: Nhật Tân, Nhật Tựu,Văn Xá ( huyện Kim Bảng). Chẳng thế mà từ nhiều năm nay, giữa chốn "đồng không mông quạnh”, có hẳn 2 quán lớn chuyên món thịt chim trời lúc nào cũng nườm nượp thực khách,..
Những chú cò bị vặt lông sống đau đớn,
sau đó bị khò vàng lên rồi làm sạch nội tạng bán cho khách
Một tay săn chim cò có hạng của xã Nhật Tân cho biết: Săn cò có hai kiểu bẫy chính, bẫy nhựa và bẫy lưới. Người săn cò này bật mí ông mới đầu tư hơn 1000 mét lưới, hy vọng mùa này sẽ thu được mẻ lớn. Ông cho biết mỗi ngày có thể bẫy bắt được 60 – 100 con cò là chuyện bình thường. Rằng: Săn cò thì một năm có hai vụ, nhưng cò về nhiều nhất vào vụ Mùa (tháng Tám, tháng Chín âm lịch), khi ấy các đàn cò thường trên đường di cư kiếm mồi nên hay bẫy được số lượng lớn, mà lại béo thịt. Còn vào mùa săn cò tháng Ba (âm lịch), thì cò gầy hơn vì đang mùa cò đẻ, chúng xuống đồng ruộng để bắt tôm tép về nuôi con. Cách "bẫy lưới” đòi hỏi kinh nghiệm cao, vì người bẫy phải am hiểu tập tính, hướng bay của cò thì mới bẫy thành công, cách này khó thực hiện hơn nhưng đã trúng là được cả mẻ lớn. Còn "bẫy nhựa, nếu cò về đông, một ngày một người có thể bẫy được hàng trăm con. Nó là một loại nhựa siêu dính mua từ Trung Quốc. Nhựa được bôi vào đầu các cành cây, và 4 – 5 cò mồi bị buộc dây đậu trên các cành không có nhựa, khi phát hiện đàn cò đi qua người ta giật dây cò mồi bay lên rồi đậu xuống, khi có con cò trong đàn mắc bẫy, càng giãy giụa càng bị dính chặt, đặc tính đoàn kết khiến đồng loại lao xuống giải cứu, cứ vào con nào dính bẫy con đó.
Ông Vũ Văn Cần, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm Hà Nam cho biết: "Chúng tôi cũng đã nắm được tình trạng bẫy bắt chim cò trên địa bàn, song gặp khó khăn trong chế tài xử lý vì các quy định về động vật rừng khi nói đến các loài này thì rất chung chung. Như trong Nghị định 99/2009 nay là Nghị định 157 quy định về động vật rừng (những loài không thuộc sách đỏ) như: con le le, cò, chim sẻ, được xếp loại rất chung chung, không rơi vào hạng mục nào. Do vậy, chúng tôi vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không bẫy bắt, buôn bán là chính…”. Như vậy, lẽ nào loài cò có nguy cơ tuyệt chủng!
Nam Phú - Trần Minh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét