Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Nồi cá kho và câu chuyện thương mại điện tử Việt

Trong suốt nhiều năm, cá kho được om trong nồi đất chỉ là món đặc sản của riêng làng Vũ Đại (Hà Nam). Chỉ những người ai may mắn sống gần khu vực này mới có cơ hội thưởng thức "Cá kho làng Vũ Đại", còn thực khách hâm mộ ở phương xa chỉ có thể nghe tả bằng lời mà thôi.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 4 năm trước. Giờ đây, chỉ cần một cú điện thoại hoặc một thao tác đặt hàng qua web, bất cứ ai cũng có thể đặt mua món cá kho trứ danh này, bởi nồi cá làng Vũ Đại đã... lên web.


Câu chuyện này được ông Trần Bá Luận, một người dân làng Vũ Đại gốc và cũng là chủ doanh nghiệp CaKhoTranLuan chia sẻ tại Hội thảo "Doanh nghiệp nhỏ, Tư duy lớn" do Cục Thương Mại Điện tử & CNTT (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Google tổ chức sáng 30/7.

"Dân trong làng Vũ Đại ai cũng sinh sống và buôn bán cá kho. Bốn năm trước, con trai tôi có ý tưởng lập một trang web để quảng bá món ăn này đến với người tiêu dùng cả nước nhưng hầu như không có mấy ai biết tới", ông Luận nhớ lại. Mãi đến 2 năm gần đây, sau khi sử dụng một dịch vụ quảng cáo trực tuyến của một công cụ tìm kiếm quốc tế, trang web CaKhoTranLuan của ông mới bắt đầu tăng được lượng truy cập. "Những tháng đầu tiên doanh thu tăng hơn 50%. Rồi thì đài truyền hình quốc gia bắt đầu làm phóng sự về cá kho làng tôi. Hiện tại thì số đơn hàng đã vượt quá được năng lực nấu của mọi người", ông Luận chia sẻ thật thà.

Trường hợp của ông Luận không phải là duy nhất. Khá nhiều doanh nghiệp nhỏ "điển hình" khác cũng đã được giới thiệu tại Hội thảo, như công ty Bảo vệ 36A (baove36a.com) của anh Đỗ Tiến Hiếu, từ con số 0, chỉ sau hai năm đã trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ hàng đầu phía Nam, với hơn 750 nhân viên. Thậm chí công ty của anh cũng đang có ý định mở rộng ra các thị trường lân cận như Campuchia. Hay Nhà Việt, một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ vệ sinh nhà cửa, vệ sinh khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai tại địa chỉ nhavietco.com....

Một câu chuyện cũng rất thú vị được một khách mời khác là doanh nhân Nguyễn Minh Phúc chia sẻ tại Hội thảo. Cách đây 4 năm, anh bị phá sản, nợ nần chồng chất và đã lâm vào cảnh đường cùng, Cần một nguồn thu nhập, anh đã quay trở lại làm kỹ sư máy tính nhưng mức lương 400 USD/tháng không thể giúp anh trả nợ. Phúc đã nảy ra ý tưởng mua lại những đồ đạc đã qua sử dụng, tân trang lại rồi bán đi. Thế là Thanh Lý Hàng Cũ ra đời, bắt đầu chỉ với 20m2 không gian văn phòng. Xuất phát điểm từ những hộ gia đình nhỏ lẻ và các đơn vị kinh doanh phá sản, nhưng đến nay, thanhlyhangcu.com đã tiến hành thu mua đồ đạc chính của nhiều nhà hàng lớn và khách sạn 5 sao ở Tp.HCM, trong đó có cả những đại gia như Sofitel hay Lotte Legend. Để thu mua đồ đạc trên cả nước, công ty có một đội xe tải và một nhà xưởng với diện tích hơn 3000m2.

Điểm chung của cả 4 doanh nghiệp vừa và nhỏ này là đều đã khai thác sức mạnh của Internet và các công cụ tìm kiếm để khách hàng tìm đến với mình.

Chương trình phát triển TMĐT Quốc gia

Bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế (Cục TMĐT & CNTT) cho biết, hiện Việt Nam có tỷ lệ truy cập Internet cao thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Số người dùng Internet cũng đã lên tới 36 triệu người. Có thể nói, đây là một nền tảng tuyệt vời để phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, doanh số TMĐT bán lẻ của Việt Nam tính đến cuối 2013 mới chỉ đạt 2,2 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2015. Nếu so sánh với Trung Quốc (181 tỷ USD) thì đây thực sự là một con số chưa tương xứng với tiềm năng.

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ VN khai thác thương mại điện tử không ít, tuy nhiên, có nhiều vấn đề vẫn tồn tại khiến cho hiệu quả khai thác không cao. Đáng nói nhất trong đó là việc nhận thức về luật của các doanh nghiệp VVN còn thấp, dẫn tới nhiều vụ tranh chấp, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực TMĐT bán lẻ, nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của luật khi mở website bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các giải pháp thanh toán đồng bộ khiến cho việc mua hàng của người dùng chưa thực sự tiện lợi.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển Thương mại Điện tử Quốc gia đến năm 2020 với nhiều nhóm chương trình và hoạt động lớn, bà Việt Anh cho biết, như hệ thống thanh toán TMĐT Quốc gia (KeyPay.gov.vn); các giải pháp bán hàng trực tuyến, giải pháp xây dựng lòng tin thông qua việc gắn nhãn uy tín cho các website TMĐT đủ yêu cầu, các chương trình vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt....

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các giải pháp vĩ mô được triển khai thì bản thân DN VVN cũng cần năng động hơn, tự tìm đến Internet và khai thác các công cụ, tính năng của nó để phục vụ cho công việc kinh doanh của mình, ông James McClure, Giám đốc Quốc gia các thị trường mới nổi khu vực Nam & Đông Nam Á của Google nhấn mạnh. DN VVN chính là xương sống của nền kinh tế VN khi chiếm tỉ lệ tới 97% số doanh nghiệp và đóng góp tới 47% GDP, ông chia sẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ không có nghĩa là không được phép tư duy lớn. Hơn bao giờ hết, Internet đang tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, những mô hình kinh doanh sáng tạo, mang tính cá nhân hóa cao... từ nồi cá kho truyền thống cho đến thanh lý, thu mua đồ đạc cũ...

"Hy vọng rằng những câu chuyện được chia sẻ hôm nay sẽ giúp các DN Việt tận dụng được sức mạnh của Internet, của trực tuyến để tăng trưởng mạnh hơn", ông McClure kết luận.

Trọng Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét