Ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hiện còn lưu giữ một ngôi nhà gỗ 16 cây cột lim mái ngói, với nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo. Ngôi nhà này đã trải qua hơn 100 năm với nhiều đời chủ... và nhiều lần “chết hụt”. Đó chính là ngôi nhà “Bá Kiến”, nguyên mẫu trong tác phẩm “Chí Phèo” của cố nhà văn Nam Cao.
<>Kiến trúc độc đáo
Cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chừng 40km theo đường tỉnh lộ là xóm 11, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam (xưa kia gọi làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, Phủ Lý Nhân - Hà Nam) quê hương của cố nhà văn Nam Cao. Và cũng chính cố nhà văn Nam Cao là người đã viết nên tác phẩm để đời “Chí Phèo” với những nhân vật nổi tiếng “Chí Phèo - Thị Nở - Bá Kiến”. Vậy nhưng ít ai biết đến những câu chuyện thăng trầm xung quanh ngôi nhà “Bá Kiến” thực, vốn là nguyên mẫu trong tác phẩm xuất sắc “Chí Phèo” của cố nhà văn này.
Ngôi nhà vốn thuộc sở hữu của ngụy viên Bắc kỳ Bá Bính. Bá Bính tên thật là Trần Duy Bính (không rõ năm sinh, mất năm 1946) được cố nhà văn Nam Cao tiết lộ chính là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo”.
Nằm ngay sát bên con đường đất liên thôn ở xóm 11 xã Hòa Hậu là ngôi nhà Bá Kiến tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 900m2, cửa ngoảnh theo hướng Tây - Nam.
Hiện nay người biết rõ nhất về ngôi nhà “Bá Kiến” là cụ Trần Bá Huấn (82 tuổi, xóm 11, xã Hoà Hậu), một cao niên trong làng. Dẫn chúng tôi tham quan, cụ Huấn giới thiệu nhà có 3 gian theo truyền thống người Việt Nam, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu giống nhau như tạc. Tất cả gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim. Trên các văng, kèo, li tô chạm khắc nhiều chữ nho, hình rồng.
Cụ Huấn đang giới thiệu tỉ mỉ về ngôi nhà
Lạ hơn khi được biết dù đã hơn 100 năm nhưng mái ngói của ngôi nhà vẫn chưa một lần tu sửa và phẳng lỳ không bị dột nát, nếu cần thiết người ta vẫn có thể dẫm lên mái ngói để đi lại mà không hề sợ gãy vỡ. Tìm hiểu về sự lạ kỳ của mái ngói ngôi nhà này, các cụ cao niên trong làng kể rằng: Sở dĩ mái ngói ở ngôi nhà có độ bền đặc biệt như vậy là do trước khi đem ngói lợp lên nóc các tay thợ thi công ngôi nhà dùng nước bồ hóng đặc ngâm những viên ngói này nhiều giờ đồng hồ rồi sau đó đem ra phơi khô. Tiếp theo các viên ngói được chọn lọc rất cẩn thận với phương pháp được coi là rất đơn giản nhưng lại hiệu quả và tốn không ít thời gian. Đó là người ta lấy lần lượt 2 viên ngói “chọi vào nhau”(gõ nhẹ vào nhau), nếu viên nào rạn nứt hoặc vỡ thì viên đó bị loại bỏ. Cứ như thế trong số hàng vạn viên ngói mới chọn ra được một số lượng nhỏ dùng lợp mái nhà.
“Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba…”
Về làng “Vũ Đại” hôm nay nếu hỏi về tuổi tác của ngôi nhà “Bá Kiến”, từ trẻ con đến các cụ cao niên đều thuộc lòng các câu:
“Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà
Nếp cổ gỗ lim mái ngói ta
Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu
Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba...”.
Nếp cổ gỗ lim mái ngói ta
Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu
Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba...”.
Giải mã về tuổi tác và thăng trầm của ngôi nhà thông qua những câu thơ được truyền tụng này, cụ Trần Thế Lễ (92 tuổi), xóm 11, xã Hòa Hậu, là một trong những người cao tuổi nhất làng nhớ như in: “Nhà “Bá Kiến” tính đến bây giờ đã qua 7 đời chủ. Chủ thứ nhất là cụ Cựu Hanh, một lái buôn giàu có. Vào khoảng thập niên đầu tiên của thế kỷ XX (những năm 1910), cụ thuê hơn 20 thợ nổi tiếng làm nghề mộc ở Cao Đà, Phủ Lý Nhân về làm mấy tháng trời ròng rã mới xong. Đây cũng chính là ngôi nhà gỗ đặc biệt công phu mà khắp cả Phủ Lý Nhân và các tỉnh lân cận ở xứ Bắc Kỳ thời này đều chưa có. Khi cụ Hanh mất đi để lại cho con là Trần Duy Xầm. Cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là Cựu Cát. Cựu Cát là người chơi bời nghiện ngập rượu chè, thường hay vay nợ, sau đó đã gán nợ ngôi nhà về tay cụ Bá Bính (tên thật là Trần Bá Bính).
Cụ Bá Bính chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến được nhà văn Nam Cao xây dựng trong tác phẩm “Chí Phèo”. Và cũng chính từ khi ngôi nhà vào tay cụ Bá Bính thì câu chuyện về ngôi nhà mới trở nên đặc biệt. Đây cũng là lý do giải thích tại sao ngôi nhà lại gắn liền với tên chủ nhân là nhà “Bá Kiến” được truyền tụng qua bao thế hệ nay.
Cụ Bá Bính mất đi để lại gia sản cho con là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo, vốn là con trai của bà cả. Sau khi bà cả chết, cụ Bá Bính lấy vợ hai. Binh Tảo nghiện rượu, những đồ đạc trong nhà ông đều mang đi cầm cố và bán sạch. Căn nhà là tài sản quý giá nhất cũng bị ông đem ra rao bán, và chính cụ Trần Thế Lễ bấy giờ đã có ý định mua ngôi nhà về xẻ làm gỗ, nhưng cụ Lễ chưa mua được thì ngôi nhà được cụ Cai Hậu, tên thật là Trần Hữu Hậu là một Việt kiều mua lại. Được biết, giá ngôi nhà lúc đó cụ Hậu mua là 4.500đ (tương đương với hàng chục cây vàng). Chủ nhân thứ 7 của ngôi nhà ông Trần Hữu Hòa, là cháu cụ Cai Hậu. Ông Hòa chính là chủ nhân cuối trước khi UBND tỉnh Hà Nam có quyết định lưu giữ ngôi nhà này vào năm 2007 sau khi đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông Hòa) để mua lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng.
Lý giải về “vía” của ngôi nhà “Bá Kiến” cao để có thể tồn tại với thăng trầm lịch sử như vậy, các cao niên thạo nho văn ở làng Đại Hoàng hiện nay cho hay: “Chính bởi xuất xứ của ngôi nhà gỗ đặc biệt này lại qua tay những người có “máu mặt” bậc nhất ở làng “Vũ Đại” lúc bấy giờ sở hữu nên việc ngôi nhà có cái “vía” cao như minh chứng lịch sử đã hiện hữu. Đó là do trong mỗi con người đều có sẵn cái “vía”, có người “vía cao, có người “vía” thấp, tương tự như vậy ngôi nhà “Bá Kiến” cũng có số phận như một con người, và có “vía” rất cao”.
Cùng với chương trình chương trình “Tìm lại Nam Cao” do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức vào năm 2004 và hoàn thành công trình tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao. Năm 2007, ngành VH - TT&DL tỉnh Hà Nam quyết định lưu giữ ngôi nhà “Bá Kiến” để góp phần cho việc nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn Nam Cao. Hiện giờ ngôi nhà đang giao cho UBND xã Hòa Hậu phụ trách trông coi, đón tiếp các du khách về đây tìm hiểu, tham quan góp phần cho việc nghiên cứu sự nghiệp nhà văn Nam Cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét