Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Lịch sử Hà Nam

Hà Nam thời tiền sử và sơ sử
Cách đây 225 triệu năm toàn bộ vùng đất của Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình còn nằm sâu dưới đáy biển. Cuối kỷ Jurat hay đầu kỷ Bạch phấn, một vận động tạo sơn đã tạo nên vùng đá vôi của 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình hiện nay.

 Đa số các núi đá phân bố dọc hữu ngạn sông Đáy, có rất ít ngọn nằm ở tả ngạn. Khoảng 70 triệu năm trước đây, chế độ biển kết thúc, thay thế là một quá trình bồi tụ để hình thành đồng bằng cổ. Phù sa mới và việc hình thành đồng bằng trên cơ sở tạo nên vùng đất thấp là trầm tích trẻ nhất châu thổ Bắc bộ.

Hà Nam là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa của sông Hồng, sông Đáy và thu nhận đất đai bị bào mòn từ vùng núi cao trôi xuống. Ngoài những ngọn núi, Hà Nam còn được bao bọc bởi những con sông. Đó là sông Hồng ở phía Đông, sông Đáy ở phía Tây, sông Nhuệ ở phía Bắc, sông Ninh ở phía Nam và nhiều con sông khác chảy trong tỉnh.

Chính những điều kiện tự nhiên đã tạo cho vùng đất này các đặc trưng về văn hóa lịch sử của một khu vực giao thoa hay vùng đệm kết nối văn hóa từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam và chính những đặc điểm này đã hình thành nên tính cách của người Hà Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.




Theo kết quả khảo cổ thì người nguyên thuỷ đã xuất hiện ở Hà Nam trên dưới 1 vạn năm vào buổi đầu thời kỳ đồ đá mới và đồ gốm thuộc nền văn hóa Hoà Bình, văn hóa Bắc Sơn. Cũng có thể do sự bùng nổ dân số từ sơ thời kỳ đại kim khí nên bắt đầu đã có cư dân xuống trồng lúa nước ở vùng chiêm trũng. Họ được xem như những người tiên phong khai thác châu thổ Bắc bộ.
Hà Nam dưới các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 (1285) vua tôi nhà Trần đã rút khỏi Thăng Long theo sông Thiên Mạc về Thiên Trường. Trên đường rút lui, quân ta dựa vào các điểm chốt để mai phục quân địch.


Cuộc dời đô của Lý Thái Tổ năm Canh Tuất (1010) qua đất Hà Nam chắc chắn nhận được sự đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần của nhân dân Hà Nam. Bởi lẽ cuộc rời đô đòi hỏi cần nhiều nhân lực, vật lực.
Năm 1069, Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Đoàn quân khổng lồ 5 vạn người đi qua Phủ Lý Nhân, nhân dân Hà Nam là những người ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều cho đội quân của triều đình.
Tại Thi Sơn (Kim Bảng) còn lưu giữ nhiều chuyện kể về cuộc hành quân 1069 và Nguyên soái Lý Thường Kiệt.
Sau khi chiến thắng Chiêm Thành vua Lý Thánh Tông đã đi thuyền qua Lý Nhân. Sách Đại nam nhất thống chí viết: "Vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, giết Sạ Đẩu, phu nhân (Mỵ Ê) bị bắt…" và khi qua Lý Nhân, Mỵ Ê đã nhảy xuống sông tự vẫn. Hiện tại đền Mỵ Ê phu nhân ở Lý Nhân.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, sông Thiên Mạc là nơi đồn trú của vua quan triều Trần. Sông Thiên Mạc là dòng sông ngắn, chia nước của sông Nhuệ đoạn cầu Giẽ, chảy qua Phú Xuyên qua Hoà Mạc, Trác Bút rồi đổ vào sông Hồng. Chặng đường rút lui chiến lược năm 1258 qua nhiều địa phương Hà Nam. Nhân dân Hà Nam ở mọi vùng miền đã tham gia tích cực, tạo điều kiện vật chất để ủng hộ và bảo vệ vua tôi nhà Trần. Kho lương ở Trần Thương xã Nhân Đạo là một minh chứng.


Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 (1285) vua tôi nhà Trần đã rút khỏi Thăng Long theo sông Thiên Mạc về Thiên Trường. Trên đường rút lui, quân ta dựa vào các điểm chốt để mai phục quân địch. Nhiều tấm gương hy sinh cao cả như Trần Bình Trọng vốn dòng dõi Lê Hoàn quê ở Thanh Liêm đã đanh thép trả lời quân thù: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc". Đó là Trần Duy Công, Nguyễn Chung Công và Nguyễn Thành Công ở Bình Lục cùng hàng trăm, hàng ngàn người vô danh khác tham gia kháng chiến. Tháng 5/1285 trận đánh đầu tiên trong hệ thống phòng tuyến sông Hồng đã diễn ra trên đất Hà Nam và giành được thắng lợi có ý nghĩa quan trọng củng cố niềm tin chiến thắng của quân dân cả nước. Năm 1287 - 1288 quân Nguyên lại ngông cuồng xâm lược nước ta lần nữa và lần này lại bị đánh tơi bời.


Năm 1400 Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Năm 1407 nhà Hồ thất bại trước nhà Minh. Các cuộc khởi nghĩa sau đó của Trần Ngữ và Trần Quý Khoáng tuy có giành được chiến thắng song cũng chỉ kéo dài đến năm 1413. Năm 1416 tại Lũng Nhai, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Nhân dân Hà Nam đã tham gia khởi nghĩa với một trái tim nhiệt thành yêu nước. Đó là Vũ Cố ở Thanh Liêm đã dẫn đường cho đại quân của Lê Lợi đánh tan giặc tại Lý Nhân tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến công bao vây Đông Đô. Đó là ba chị em Ả Đào dùng tiếng hát mê hoặc giặc Minh tạo điều kiện cho nghĩa quân giết giặc. Trên mảnh đất Hà Nam còn những dấu tích trên cánh đồng Thành giữa hai xã Liên Túc và Liên Sơn, cách thành Cổ Lộng nơi diễn ra trận đánh thắng quân Minh nổi tiếng không đầy 6km. Năm 1428, Lê Lợi đánh thắng quân Minh lập nên vương triều nhà Lê. Trải qua các đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông và Thánh Tông, đất nước Đại Việt phát triến cực thịnh. Và thời kỳ này Hà Nam cũng có nhiều người đỗ đại khoa ở các khoa thi kén chọn người hiền tài, mở đầu là Nguyễn Khắc Hiếu và Trần Thuấn Du đỗ Tiến sỹ năm 1429.
Hà Nam từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX
Nhà Mạc trị vì vào năm 1527, loạn chiến tranh Nam Bắc, rồi sự phân chia đàng trong đàng ngoài đã dẫn tới cảnh tiêu điều ở nông thôn Hà Nam. Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng nhau dấy binh khởi nghĩa tại Tây Sơn. Ngày 17/12/1788, Tôn Sĩ Nghị chiếm đóng Thăng Long.

Đây là thời kỳ Đại Việt lâm vào tình trạng khủng hoảng, kinh tế sa sút, đời sống nhân dân cực khổ, các thế lực phong kiến nổi lên giành quyền lực.
Ngày 22/12/1788 Nguyễn Huệ xuất quân ra Thăng Long. Ông chia thành 5 cánh quân tiến đánh. Đoàn quân Tây Sơn cùng nhân dân Hà Nam tiêu diệt cứ điểm Hoàng Anh (Thanh Liêm) đồn Nhật Tảo (Duy Tiên)… ngày nay một số địa danh ở Hà Nam vẫn còn tổ chức kỷ niệm chiến công lẫy lừng của Quang Trung.



Thời kỳ này mặc dù gặp nhiều khó khăn biến động song nghề thủ công cổ truyền vẫn được nhân dân các làng có nghề duy trì, phát triển… một số điểm buôn bán đã hình thành.



Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi mở đầu vương triều Nguyễn, nhưng nền kinh tế của Hà Nam vẫn lâm vào cảnh đình đốn mặc dù buôn bán có phát triển, nhiều thợ giỏi của Hà Nam bị bắt đưa vào Huế phục vụ vua và Hoàng tộc. Về giáo dục, thi cử thì ở Hà Nam từ thế kỷ XVI đến cuối XIX có 42 người đỗ đại khoa như Lê Tung, Nguyễn Khuyến, Bùi Dị, Bạch Đông Ôn…

Hà Nam thời cận đại (1873-1945)
Đây là thời kỳ đấu tranh bất khuất của dân tộc và xuất hiện một sự kiện quyết định vận mệnh đất nước. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930. Hà Nam là một tỉnh nhỏ nhưng là một trong 5 tỉnh đông dân nhất Bắc Kỳ và là một trong những tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Kỳ.

 Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện một số đồn điền ở Kim Bảng và Thanh Liêm chủ yếu là trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc. Nghề khai thác đá cũng đã phát triển. Các nghề làm thuốc xì gà, làm đồ sừng, quạt giấy, ấp vịt… cũng bắt đầu phát triển. Ở Phủ Lý nhiều cửa hàng cửa hiệu mọc lên. Hệ thống giao thông cũng hình thành các tuyến đường bộ, đường thuỷ. Thời kỳ này đã có 1,3% dân số của tỉnh đi học.

Ngày 20/10/1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Hà Nam, trên cơ sở phủ Lý Nhân được mở rộng thêm. Lúc này tỉnh Hà Nam mới gồm toàn bộ phủ Lý Nhân cũ, hai tổng Mộc Hoàn và Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín tỉnh Hà Nội sáp nhập vào huyện Duy Tiên và 17 xã thuộc huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng, huyện Thượng Nguyên, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định sáp nhập vào phủ Lý Nhân. Như vậy Hà Nam khi mới thành lập là địa bàn của phủ Lý Nhân mở rộng về phía Hà Nội và Nam Định. Lúc này Hà Nam có 5 huyện là Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục và Duy Tiên.

Ngày 24/10/1908, Hà Nam có thêm châu Lạc Thuỷ chuyển từ Hoà Bình sáp nhập vào. Tháng 5/1953, Trung ương quyết định cắt các huyện phía Bắc tỉnh Nam Định gồm Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và 7 xã phía Bắc Nghĩa Hưng nhập vào tỉnh Hà Nam, chuyển châu Lạc Thủy về tỉnh Hoà Bình. Tháng 4/1956, sau giảm tô và cải cách ruộng đất, 3 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và 7 xã của Nghĩa Hưng sáp nhập trở lại Nam Định. Năm 1965, Hà Nam và Nam Định sáp nhập thành tỉnh Nam Hà. Đầu 1976, Nam Hà sáp nhập với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1992, tỉnh Hà Nam Ninh chia tách thành Nam Hà và Ninh Bình. Năm 1997 Nam Hà chia tách thành Hà Nam và Nam Định. Lúc này Hà Nam gồm 5 huyện là Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục và thị xã Phủ Lý. Toàn tỉnh gồm 114 xã, phường, thị trấn.

Phong trào đấu tranh chống Pháp ở Hà Nam nổi lên Đinh Công Tráng, linh hồn của khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa, khởi nghĩa Đề Yên nhưng đều thất bại.

Thời kỳ này Hà Nam đã xuất hiện giai cấp công nhân. Năm 1930, số lượng công nhân của Hà Nam là 1.400 người, chủ yếu ở đồn điền, công trường đá và ga Phủ Lý.



Năm 1927, Trần Tử Yến là sinh viên cao đẳng thương mại Đông Dương là Hội viên của Việt Nam Cách mạng thanh niên về Lũng Xuyên (Duy Tiên) dạy học, tại đây ông cùng Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Hưng Uyển thành lập chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại đình Lũng Xuyên.

Tháng 10/1929 đồng chí Lê Công Thanh được cử về Hà Nam xây dựng các chi bộ Đảng. Tháng 10/1930 tỉnh uỷ lâm thời được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ phong trào cách mạng của Hà Nam bước những bước tiến mới. Giai đoạn 1930 - 1939 phải kể đến tiếng trống của nông dân Bồ Đề (Bình Lục), rồi phong trào tiếp thu sách báo cách mạng rầm rộ. Nguyễn Thượng Cát lược dịch Tư bản luận in thành 3 tập. Nông dân chống phụ thu lạm bổ, chống địa chủ cường hào…

Thời kỳ 1939-1945 là thời kỳ đỉnh cao dẫn đến khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc và ở Hà Nam. Ở Hà Nội trong 5 ngày từ 20-24/8/1945 khởi nghĩa nổ ra ở tất cả các huyện thị và giành thắng lợi giòn giã.

Cuộc đấu tranh bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân Hà Nam cùng cả nước diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thành công không boa lâu thì giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta. Nhân dân Hà Nam cùng quân dân cả nước xây dựng làng chiến đấu, củng cố hậu phương, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp quân và dân Hà Nam đã đánh hơn 10.000 trận lớn nhỏ, diệt hơn 40.000 tên địch.

Nhân dân Hà Nam còn tích cực tăng gia sản xuất xây dựng nền kinh tế tự túc, tự cấp để nuôi quân kháng chiến và góp phần cùng cả nước làm nên Điện Biên lịch sử. 9 năm kháng chiến chống Pháp quân và dân Hà Nam đã làm nên những thắng lợi hết sức vẻ vang, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, đưa lịch sử nước ta sang một thời kỳ mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Ngày 3/7/1954, Hà Nam hoàn toàn được giải phóng. Ngày 13/7/1954 Thường vụ Tỉnh uỷ họp quyết định một số nhiệm vụ và giải pháp trước mắt nhằm ổn định tình hình, nhân dân Hà Nam bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, kinh tế được khôi phục, cuộc sống của nhân dân từng bước ổn định sau những năm chiến tranh gian khổ, quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, trật tự trị an xã hội được giữ vững.



10 năm xây dựng và phát triển kinh tế (1954- 1964) đã tạo dựng một xã hội đổi mới toàn diện thì 5-8-1964 Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thị xã Phủ Lý là địa bàn huỷ diệt bởi bom Mỹ. Nhân dân Hà Nam với tinh thần "vừa sản xuất vừa chiến đấu" quyết bám trụ kiên cường và chiến thắng vẻ vang. Thắng cuộc chiến tranh phá hoại, thắng lợi trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tích cực chi viện nhân lực vật liệu cho chiến trường miền Nam.



Rồi Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 với cường độ ác liệt hơn lần thứ nhất. Thị xã Phủ Lý lại gồng mình hứng chịu những trận bom Mỹ từ tháng 4 đến tháng 10/1972 Mỹ đã đánh vào Hà Nam tới 633 trận với hơn 1.300 máy bay các loại. Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ quân và dân Hà Nam đã chiến đấu hơn 500 trận bắn rơi tại chỗ 13 máy bay Mỹ. Cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ Hà Nam còn tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn: hơn 60.000 thanh niên nhập ngũ, hơn 3.000 thanh niên xung xong cùng hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm chi viện cho chiến trường.

Ngày 30/4/1975 đất nước giải phóng, nhân dân Hà Nam lại đoàn kết, phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hà Nam ngày nay
Giai đoạn 1975-1985 là thời kỳ Hà Nam cùng cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1975-1980), bảo vệ biên giới Tổ quốc và từng bước tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội (1981-1985).

Mười năm (1975-1985) là chặng đường đầy khó khăn đối với cả nước nói chung và Hà Nam nói riêng trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, kinh tế xã hội gặp những khó khăn gay gắt, sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất chưa cao, phân phối lưu thông còn lúng túng, đời sống nhân dân còn nghèo, các hiện tượng tiêu cực xảy ra nhiều, nhưng Hà Nam vẫn đạt được một số thành tựu quan trọng.



Trên  lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là giải quyết tốt vấn đề lương thực, Hà Nam đã tập trung lực lượng hoàn chỉnh hệ thống thuỷ nông, tổ chức lại các HTX, mở rộng diện tích trồng hoa màu, phát triển chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng vụ. Kết quả đến năm 1978 hàng trăm HTX  trong tỉnh đạt 5 tấn/ha, các huyện cung cấp hàng vạn tấn lương thực cho Nhà nước. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giữ vững nhịp độ tăng trưởng cả số lượng và chất lượng. Giáo dục phổ thông phát triển nhanh và đồng đều. Hoạt động văn hóa thông tin, y tế, thể dục thể thao được mở rộng tăng cường về cơ sở.

Tháng 2 năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế xã hội cả nước nói chung và Hà Nam nói riêng. Một lần nữa nhân dân Hà Nam lại dấy lên phong trào tòng quân đánh giặc. Các đợt tuyển quân đều vượt mức kế hoạch, thực hiện nếp sống quân sự hoá. Lực lượng vũ trang địa phương đượ bổ sung kế hoạch phương án an ninh quốc phòng phù hợp với tình hình sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Những năm đầu thập kỷ 80 Hà Nam cùng cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 3 trong tình hình quốc tế có nhiều biến động. Đó là khó khăn về vật tư nguyên liệu, thực phẩm, sự bất ổn định giá cả, lạm phát với tốc độ phi mã thêm vào đó là khó khăn do thiên tai gây ra. Chỉ thị 100/CT/TW ngày 13 tháng 1 năm 1981 là phương thức hữu hiệu thúc đẩy tính chủ động sáng tạo trong sản xuất và phân phối đưa nông nghiệp thoát khỏi trì trệ.

Từ năm 1981 đến 1985 hệ số sử dụng đất tăng từ 1,5 lần lên 1,76 lần. Sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước. Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp thời kỳ này cơ bản bảo đảm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên các địa phương lại chú trọng công tác xuất nhập khẩu với mặt hàng chủ lực là đay, lạc, tỏi, vừng. Sự nghiệp giáo dục được duy trì và chuyển hướng tích cực theo mục tiêu cải cách giáo dục. Cuộc vận động 5 dứt điểm về y tế được duy trì và đẩy mạnh. Thực hiện có hiệu quả đông tây y kết hợp trong khám và điều trị. Các hoạt động văn hóa thông tin, văn học nghệ thuật, phát thanh truyền thanh, báo chí xuất bản có cải tiến tích cực trong việc cải tiến hướng về cơ sở, nhạy bén với cái mới, đáp ứng nhiệm vụ chính trị ở địa phương.



Năm 1986, bắt đầu sự nghiệp đổi mới, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bị xoá bỏ tạo điều kiện thuận lợi để nền kinh tế nhiều thành phần phát triển. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư có sự chuyển biến theo hướng tập trung vào 4 chương trình kinh tế - xã hội. Các hoạt động văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế được đẩy mạnh. Nông nghiệp tăng đáng kể, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trong quá trình chuyển đổi có nhiều bỡ ngỡ nhưng đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển ban đầu thu hút nhiều lao động. Hoạt động tài chính ngân hàng bước đầu đã chuyển theo cơ chế mới.



Cuối 1996, sản xuất nông nghiệp Hà Nam đạt giá trị tổng sản lượng 960,84 tỷ đồng, trong đó sản xuất lương thực đạt 319.435 tấn. Bình quân lương thực đạt 402 kg/người. Ngoài lúa các cây trồng khác cũng tăng trưởng mạnh như: ngô, đậu, lạc… Đàn gia súc gia cầm tăng từ 3 đến 5% mỗi năm. Các diện tích mặt nước đều tận dụng để nuôi trồng thuỷ sản. Công tác phòng chống bão lụt được quan tâm: hàng nghìn cây tre được trồng để bảo vệ các tuyến đê, hàng triệu mét khối đất được đào đắp, nạo vét, hàng vạn mét khối đá được được kè kênh mương bờ đê, mái đê.



Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 1991 đến 1996 mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, vật tư… những một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn được giữ vững và ngày càng có uy tín như: thêu Thanh Hà, đá Kiện Khê, dũa An Đổ, hàng tre đan Ngọc Động, sợi dệt Đại Thành…

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1996 đạt 286,75 tỷ, trong công nghiệp Trung ương đạt 19,11 tỷ, công nghiệp địa phương đạt 267,64 tỷ đồng. Thời gian này xuất hiện doanh nghiệp tư nhân bao gồm 9 cơ sở thu hút gần 400 lao động. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét